banner
banner
Background VIC News
Thứ năm, 02/04/2020, 10:26 (GMT + 7)
Thứ năm, 02/04/2020, 10:26 (GMT + 7)

Bitcoin là gì? Giao dịch Bitcoin như thế nào?

Mục lục bài viết
  1. Một giao dịch Bitcoin có những thông số gì?
  2. Mua Bitcoin ở đâu?

Bất chấp tham vọng thay đổi thị trường Cryptocurrency của nhiều loại tiền kỹ thuật số mới, Bitcoin vẫn nghiễm nhiên tồn tại và thu hút được nhiều sự chú ý của giới đầu tư tài chính hơn bất cứ lọai tiền điện tử nào.

Xem thêm: Đầu tư Bitcoin có đem lại lợi nhuận cao như lời đồn?

Bitcoin là gì?

Bitcoin là tiền kỹ thuật số điển hình và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thương mại điện tử. Với cách thức hoạt động dựa trên hệ thống ngang hàng - một cách thức hoàn toàn khác biệt so với các loại tiền tệ (tiền giấy, xu) thông thường, bitcoin được trao đổi trực tiếp trên mạng Internet mà không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào quản lý các giao dịch.

Hiện nay đa phần các nhà đầu tư không xem Bitcoin như một loại tiền thanh toán. Ngược lại, họ xem Bitcoin như một loại đầu tư đầu cơ và mong muốn kiếm lời từ nó. Tuy nhiên lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao, BTC đã khiến không ít nhà đầu tư làm giàu hay trắng tay chỉ trong một đêm do tính biến động lớn của nó. 

Xem thêm:

Ai phát minh ra Bitcoin?

Ngày 31/10/2008, Bitcoin lần đầu được nhắc đến trong white paper về giao thức thanh toán ngang hàng (peer-to-peer, P2P) của một nhân vật ẩn danh Satoshi Nakamoto. Và gần một năm sau đó là thời điểm mà lần đầu tiên giá trị của Bitcoin được ấn định trên sàn giao dịch. Cũng chính vào thời điểm này, cộng đồng phát triển Bitcoin dường như dần dần mất hoàn toàn liên lạc với Satoshi.

Dù sở hữu một cái tên "rất Nhật Bản” nhưng nhiều người vẫn cho rằng Satoshi Nakamoto không phải là người con nước Nhật mà chính là Elon Musk - người sáng lập SpaceX, đồng sáng lập PayPal và Tesla Motors. Tuy nhiên hầu hết những tin đồn này đều bị phủ nhận. Và cho đến nay, Satoshi là ai vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Xem thêm: Sự thật về Satoshi “người đồng sáng lập Bitcoin” vừa mới xuất hiện

Bitcoin có phải là đồng tiền mã hoá đầu tiên không?

Năm 2009, Bitcoin được tạo ra như một cột mốc đánh dấu sự ra đời của loại tiền kỹ thuật số đầu tiên được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu. Nhưng thực tế, khái niệm tiền kỹ thuật số có khả năng bảo mật cao đã xuất hiện từ những năm 1980. Và chính những nỗ lực bền bỉ đó đã truyền cảm hứng cho việc tạo ra Bitcoin của Satoshi. Có thể điểm danh một vài loại tiền mã hóa đời đầu như: DigiCash, Bit Gold, Hashcash, B-money.

- DigiCash: Năm 1990, nhà khoa học máy tính - David Chaum đã dựa trên những ý tưởng từ nghiên cứu: “Blind Signatures for Untraceable Payments” (được hiểu là: Chữ ký mù cho những giao dịch không thể tìm ra) và thành lập ra một DigiCash với mong muốn tạo ra một loại đồng tiền ảo có giá trị thực.

- Bit Gold: Được xem là một nỗ lực tạo ra một loại tiền kỹ thuật số phi tập trung của nhà khoa học máy tính và nhà mật mã học - Nick Szabo. Dù Bit Gold chưa một lần thực sự được triển khai nhưng nó được coi là tiền thân trực tiếp cho sự ra đời của Bitcoin bởi các đặc điểm tương đồng về kỹ thuật, công nghệ.

- Hashcash: Năm 1997, nhà mật mã học Adam Back đã đề xuất ra một hệ thống quản lý lượng email spam cùng với cơ chế từ chối những thông tin này thông qua việc giải các thuật toán có tên là Hashcash. Chính Satoshi Nakamoto cũng đã ghi nhận trong "Whitepaper Bitcoin" rằng Hashcash là mô thức cần thiết để xây dựng nền tảng P2P của Bitcoin.

- B-money: Là đề xuất cho một hệ thống tiền điện tử phân tán, ẩn danh, được tạo ra bởi kỹ sư máy tính Wei Dai vào năm 1998. Satoshi Nakamoto đã tuyên bố Bitcoin được triển khai nhờ các đề xuất B-money của Wei Dai và Bit Gold của Nick Szabo.

Xem thêm:

Hệ sinh thái tiền mã hoá bao gồm những thành phần nào?

Bitcoin có phải ý tưởng đầu tiên về đồng tiền mã hóa?

Mục đích ra đời của Bitcoin là gì?

Bitcoin được Satoshi Nakamoto thiết kế với mục đích tạo ra một hệ thống thanh toán thay cho tiền giấy, được dung để giao dịch trực tiếp bằng các thiết bị kết nối mạng Internet mà không có sự can thiệp hoặc bị lệ thuộc bởi bất kỳ một tổ chức tài chính trung gian nào. Đồng thời tạo ra một hệ thống không có lỗ hổng bảo mật để chống lại nguy cơ phá hoại, đánh cắp dữ liệu với chi phí giao dịch cực thấp.

Ví Bitcoin là gì?

Giống như ví tiền thông thường, các loại tiền điện tử cũng cần một nơi để lưu trữ. Để tách bạch từng cá nhân, hệ thống blockchain của Bitcoin sẽ sử dụng một loại ví chuyên dụng cho mỗi người dùng. Với ví Bitcoin, người dùng có thể gửi, nhận, lưu trữ tiền mã hoá (coin hoặc token) cho người khác một cách dễ dàng.

Thực tế, mỗi ví Bitcoin sẽ có một mã riêng, gọi là địa chỉ ví. Địa chỉ này được để ở trạng thái công khai mà toàn bộ người dùng trong hệ thống đều biết và được bảo vệ bởi một private key.

Mỗi ví Bitcoin đều có một khóa công khai (public key) để đối tác giao dịch gửi Bitcoin đến cho bạn và một khóa cá nhân (private key) để truy cập vào ví. Khóa cá nhân (private key) là yếu tố quan trọng bạn phải bảo mật tuyệt đối.

Địa chỉ Bitcoin có dạng như:

  • 3PQaeSjNf6xaHx6gRBMaeDEe5SR4K7ZNXq
  • 1BR61LgZZCQNrTGRk3Uwt1Bh8CSVUYS51h

Các loại ví lữu trữ Bitcoin có thể phân chia theo định dang vật lý (ví phần cứng – ví sử dụng thiết bị vật lý để lưu trữ trực tiếp, ví phần mềm - sử dụng các phần mềm được thiết lập trên máy tính hay các thiết bị di động để lưu trữ. Nếu phân loại theo nơi lưu trữ có thể phân chia thành các dang ví desktop, ví mobile (điện thoại thông minh), ví website (trên các sàn giao dịch), ví USB (usb được chuyên dụng hoá cho lưu trữ bitcoin). Cách phân loại thứ 3 dựa trên phương thức kết nối Internet, nếu thiết bị lưu trữ kết nối liên tục với Internet thì gọi là ví nóng, còn thiết bị lưu trữ Bitcoin mà vẫn không kết nối với Internet gọi là ví lạnh.

https://viccrypto.com/phan-loai-vi-tien-dien-tu/

Gợi ý một vài trang web tạo ví Bitcoin uy tín cho người mới bắt đầu: bitcoin.org, blockchain.com,...

Một giao dịch mua Bitcoin được thực hiện như thế nào?

Việc mua một Bitcoin được diễn ra như việc bạn mua hàng online. Đầu tiên bạn phải đưa thông tin ví, số lượng Bitcoin muốn mua trên một nền tảng giao dịch hoặc người bán. Bạn thanh toán bằng tiền mặt hoặc loại tiền khác bất kỳ mà bên bán chấp nhận. Sau đó, người bán sẽ gửi Bitcoin vào ví tiền điện tử của bạn.

Như vậy, ở đây có một số rủi ro giao dịch như gửi sai địa chỉ ví, gửi tiền trước nhưng người bán không gửi Bitcoin lại, một số lỗi vặt như tính toán số lượng Bitcoin mua sai,...

Một giao dịch Bitcoin có những thông số gì?

Thông tin ghi nhận trên trình truy xuất dữ liệu giao dịch của blockchain.com theo dõi các lịch sử giao dịch trên mạng Bitcoin.

Các thông số ghi nhận 1 block trên mạng lưới bao gồm: thứ tự block (như hình ở trên là block thứ 623997), dấu thới gian, mã hash, độ cao, đơn vị máy đào, số lượng giao dịch, cây Merkle, độ khó xử lý, Nounce, kích thước block, phần thưởng khai thác, phí giao dịch,..

Phần giao dịch chi tiết sẽ cho bạn thấy địa chỉ ví gửi, địa chỉ ví nhận, thời gian giao dịch và khối lượng Bitcoin giao dịch.

Mua Bitcoin ở đâu?

Bitcoin có thể mua được ở các sàn giao dịch hoặc thị trường chợ đen (rao vặt). Các sàn giao dịch chuyển đổi từ fiat-to-crypto, tức từ tiền mặt ra tiền điện tử ban đầu (các sàn giao dịch chỉ hỗ trợ một số token nhất định, chứ không có hết toàn bộ các token của thị trường). Ngoài ra, nhiều sàn hỗ trợ nền tảng peer to peer, giúp kết nối người mua và người bán thanh khoản giữ tiền pháp định và tiền điện tử.

Một số sàn có hỗ trợ mua tiền điện tử qua kênh OTC (giao dịch ngoài quầy), hình thức tương tự bán ra đại lý của Momo và nộp tiền vào ví.

Bên cạnh đó, bạn có thể tìm các người chơi uy tín để mua lại tiền điện tử mà họ đang sở hữu.

Sau đó, bạn tham gia vào một sàn giao dịch bất kỳ và mua đi bán lại giữa token vừa mua được với token mà bạn muốn sở hữu.

Tại sao Bitcoin có mức giá thay đổi dao động lớn?

Nếu bạn là một người bắt đầu tìm hiểu hay là một dân chơi Bitcoin thực thụ thì đều biết rằng Bitcoin có mức giá thay đổi dao động lớn. Thậm chí, giá Bitcoin dao động nhanh hơn cả 10 lần so với đô la Mỹ. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ biến động giá của Bitcoin:

- Các yếu tố truyền thống: Thị trường có sự tham gia của nhiều bên bao gồm cả các nhà tạo lập thị trường (market maker), các tổ chức, cá nhân lớn… dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Tâm lý người chơi luôn bị ảnh hưởng bởi tin tức dự án, tin tức từ các sàn giao dịch, người nổi tiếng và cả tính pháp lý (chấp thuận hay siết chặt tiền điện tử từ Chính phủ) cũng khiến cho giá Bitcoin thay đổi nhanh chóng. 

- Các yếu tố phi truyền thống: Bitcoin không bị kiểm soát bởi bất kỳ ai hay cơ quan nào, do đó nó không bị kiểm soát mức biên dao động giá, giá Bitcoin có thể tự do lên xuống mà không có sự xuất hiện của bất cứ rào cản nào. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đế kỹ thuật như sàn bị lỗi, sàn bị hack,… cũng vô tình khiến giá tiền điện tử biến động mạnh.

Bitcoin có thực sự có giá trị nội tại?

Giá trị nội tại là khái niệm được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực tài chính. Giá trị nội tại bao gồm các biến số khác như thương hiệu, nhãn hiệu, bản quyền… các biến số này hầu như rất khó định lượng, tính toán. Và không phải lúc nào giá trị nội tại cũng được phản ánh một cách chính xác qua giá thị trường của nó. Và Bitcoin cũng không ngoại lệ, BTC ẩn chứa nhiều giá trị khiến chúng trở nên "đắt giá" trong giới đầu tư:

- Bitcoin ra đời và được chấp nhận sử dụng rộng rãi trong thương mại điện tử. Nhờ loại bỏ các bên trung gian trong quản lý giao dịch mà chi phí giao dịch rất thấp (gần như bằng 0), do đó Bitcoin được nhiều doanh nghiệp, công ty dịch vụ ưa thích và lựa chọn.

Tính đến năm 2016, số lượng các doanh nghiệp chấp nhận Bitcoin đã vượt qua con số 122.000. Có thể kể đến như: Clearly Canadian, Atomic Mall, Dell, Dynamite Entertainment, Dish Network, Expedia, Newegg, Microsoft, PrivateFly, Overstock.com, TigerDirect,  Sacramento Kings, Time Inc., Virgin Galactic, Valve và Zynga.

Tại Việt Nam, Bitcoin dường như rất ít được chấp nhận thanh toán. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu cho phép người Việt Nam thanh toán bằng Bitcoin cho dịch vụ của họ, như: Dịch vụ mua vé máy bay, đặt khách sạn và thuê ô tô tại Expedia, Dịch vụ nạp thẻ điện thoại BitRefill, mua hàng trực tuyến tại OpenBazaar, OverStock, hoặc tại các Dark Net Market, mua tên miền và dịch vụ máy chủ tại NameCheap…

- Hiện nay, Bitcoin đang được nắm giữ và sử dụng giao dịch bởi nhiều cá nhân. Theo thống kê mới nhất của Glassnode – trang web thống kê về Blockchain cho biết, hiện nay có khoảng 23 triệu người dùng đang sở hữu ví Bitcoin. Tuy nhiên, cũng theo thống kê, số lượng non–zero addresses lại xấp xỉ 28,4 triệu. Điều này đồng nghĩa với việc một người dùng thường kiểm soát nhiều hơn một địa chỉ BTC. 

- Bitcoin đã được hợp pháp hoá ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,…

- Bitcoin hiện tại là khoản đầu tư có tính thanh khoản cao, tức là BTC có thể mua đi bán lại dễ dàng nhất trong số các loại tiền điện tử hiện hành.

- Công nghệ Blockchain áp dụng khiến nó hoạt động với mức phí giao dịch rẻ nhưng mang lại hiệu quả cao và khả năng truy xuất thông tin nhanh chóng. Có thể coi công nghệ Blockchain là một phần quan trọng giúp nâng cao hiệu suất và phát triển hệ thống kinh doanh.

- Bitcoin đã tạo ra một thị trường đầu tư tài chính mới với sự góp mặt đông đảo người chơi trên toàn thế giới. Không những thu hút đến hơn 300 triệu đô la ( số liệu đỉnh điểm được thống kê trên trang Coinmarketcap), Bitcoin còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đào bitcoin toàn cầu. Không dừng lại ở đó, từ hoạt động tiêu thụ lượng điện dư thừa của các công ty sản xuất máy đào tỷ đô như Bitman, nhiều ngành công nghiệp mới như môi giới mua bán Bitcoin,… đã ra đời.

- Sự ra đời của Bitcoin cũng tạo nên làn sóng đầu tư vào Blockchain mạnh mẽ hơn. Nhiều dự án tương tự đã ra đời và thúc đẩy chính phủ ở nhiều nước nhìn nhận cơ hội mới phát triển kinh tế. Cũng nhờ vậy mà nhiều quốc gia đã cho phép sử dụng Bitcoin thay thế cho tiền mặt để hạn chế mức độ lạm phát.

Giá của Bitcoin là bao nhiêu?

Giá Bitcoin luôn biến động liên tục. Bạn có thể dễ dàng theo dõi giá của các loại tiền mã hóa qua các trang thông tin phổ biến như Coinmarketcap hoặc các sàn giao dịch uy tín.

Giá Bitcoin ở mỗi sàn có thể khác nhau một chút. Vì mỗi sàn có số người dùng khác nhau, lượng giao dịch khác nhau, tâm lý và hành xử của người dùng với thị trường cũng khác nhau dẫn đến mức độ cạnh tranh không đồng đều, làm cho giá có nhiều biến động. Tuy nhiên, theo cơ chế chung của thị trường Cryptocurrency, mức giá không được quá chênh lệch. Dù vậy, ở giai đoạn sơ khai, chính lỗ hổng về chênh lệch giá mà nhiều trader đã kiếm được mức thu nhập không tưởng.

Giá bitcoin trên trang Coinmarketcap

Đào bitcoin là gì?

Đào Bitcoin hay còn gọi là khai thác Bitcoin là quá trình xử lý và xác nhận thanh toán nhanh chóng trên hệ thống mạng lưới Bitcoin. Có thể hiểu nôm na rằng đào Bitcoin là việc sử dụng máy tính để tham gia vào quá trình giải mã giao dịch, xác nhận giao dịch và khi giao dịch được ghi vào sổ cái công khai Blockchain thì mỗi máy sau khi được xác nhận thành công sẽ nhận được một khoản tiền thưởng vào địa chỉ ví Bitcoin. Điều đó giúp thông tin giao dịch được xác thực, đồng thời cũng là hình thức gia tăng số lượng Bitcoin lưu hành.

Máy đào Bitcoin là gì?

Là các thiết bị dùng để đào các loại tiền điện tử, cụ thể ở đây là đào Bitcoin. Ngoài ra, đối với một vài loại tiền kỹ thuật số khác như Litecoin thì người ta có thể dùng chính máy đào Litecoin để đào coin. Tuy nhiên, xét về bản chất chúng vẫn là một thiết bị phần cứng, cho phép giải mã các thuật toán khi giao dịch và có quy trình khá giống nhau. Và tất nhiên, khi giao dịch thành công, bạn sẽ được nhận thưởng bằng chính đồng tiền mà mạng lưới nó tham gia giải mã.

Các ứng dụng được cài đặt trên máy tính có cấu hình VGA cao hay những phần cứng chuyên dụng để khai thác coin thông qua việc chạy phần mềm đào, thông qua sức mạnh xử lý của CPU và GPU đều được gọi là máy đào Bitcoin. Sau này do độ khó và mức độ cạnh tranh ngày càng cao, máy ASICs chuyên dụng để đào Bitcoin đã ra đời. Chip Asic chạy phần mềm đào coin càng mạnh, càng hiện đại thì khả năng xử lý thuật toán Blockchain càng nhanh hơn.

Các nhà sản xuất máy đào Bitcoin lớn trên thế giới như Bitmain và Canaan đã không ngừng cho ra đời nhiều loại máy đào chất lượng có thể kể đến như:

1. Bitmain Antminer S9

Máy  Antminer S9  là tốt nhất ở thời điểm hiện tại, với thông số kỹ thuật:

-           Hashrate: 13-14 TH/giây

-           Tiêu thụ điện: 1.300 W

-           Lợi nhuận hàng ngày:   0.0009804 BTC

-           Giá bán khoảng: 2.000 USD.

2. Bitmain Antminer T9

Máy T9 sẽ có hiệu suất đào kém hơn so với S9, tuy nhiên bù lại là thời gian bảo hành lâu hơn gấp đôi. Máy có thông số kỹ thuật:

-           Hashrate: 11,5 TH/giây

-           Tiêu thụ điện: 1.450w

-           Lợi nhuận hàng ngày:   0.0009804 BTC

-           Giá bán máy mới: 2.000 USD. Máy cũ khoảng 1.000 USD

3. Máy Bitmain Antminer S7

Dù kém hiệu quả hơn so với máy S9 hoặc T9, tuy nhiên bù lại là giá máy lại khá mềm.

-           Hashrate: 4,7 TH / giây

-           Tiêu thụ điện: 1.300 W

-           Lợi nhuận hàng ngày:   0.0009804 BTC

-           Giá bán máy mới: 1.000 USD. Máy cũ khoảng vài trăm USD

Các thông tin hữu ích cho việc tham gia đào Bitcoin có thể xem tại trâng web này: https://www.bitcoinblockhalf.com/

Với newcomers gia nhập thị trường Cryptocurrency và đặc biệt quan tâm đến phương thức đào bitcoin thì: https://bitinfocharts.com/bitcoin/ là trang web dành riêng cho bạn để thuận tiện theo dõi phần thưởng cho máy đào Bitcoin.

Xem thêm: Máy đào Bitcoin ASIC là gì?

Chia nửa phần thưởng khối là gì?

Theo White Paper của Bitcoin thì cứ khoảng 4 năm một lần, phần thưởng khối – một phần thưởng dành cho các thợ đạo Bitcoin sẽ giảm đi một nửa. Hiện tượng này được gọi là Bitcoin Halving (chia nửa phần thưởng khối).

Mục đích của việc chia nửa phần thưởng khối nhằm tạo ra mức khan hiếm cho các loại tiền mã hóa. Và cho tới khi phần thưởng đó không còn đủ để bù đắp chi phí vận hành đào tiền nữa BTC sẽ các mốc tối đa và không tạo thêm coin được nữa.

Cụ thể, với Bitcoin, số lượng tối đa được lập trình rơi vào khoảng 21 triệu đơn vị BTC. Cho đến nay, chỉ còn chưa đến 3 triệu BTC chưa được khai thác, chưa kể các Bitcoin bị thất lạc do người dùng quên địa chỉ ví và secret key.

Quá trình giảm phần thưởng của Bitcoin từ 2009 tới nay :

  • Halving lần 1 : 28/11/2012 - Tính từ 3/1/2009 ( thời điểm bitcoin được sinh ra ), có 10.500.000 bitcoin được tạo ra. Trung bình 10 phút  sẽ đào được 50 Bitcoin
  • Halving lần 2 : 9/7/2016 - Tính từ 28/11/2012, có 5.250.000 bitcoin được tạo ra. Trung bình 10 phút khai thác được 25 BTC.
  • Halving lần 3 : Dự kiến diễn ra vào ngày 17/5/2020  - Tính từ 9/7/2016 có 2,625,000 Bitcoin được tạo ra. Trung bình mỗi 10 phút có 12,5 BTC được khai thác.

Theo tính toán thì Halving lần thứ 64, các thợ đào sẽ không còn khai thác được bitcoin nữa, do chi phí đào bitcoin cao hơn thu nhập của các máy đào.

Tại sao Bitcoin có những bản Hard Fork?

Hard fork trong công nghệ blockchain diễn tả sự thay đổi trên giao thức mạng lưới có thể khiến những khối (block) và giao dịch (transaction) cũ bị vô hiệu hoá hoặc ngược lại.

Xem thêm: Phân biệt hard fork và soft fork

Có nhiều lý do để giải thích cho việc các nhà phát triển thực thi hard fork. Một trong những lý do phổ biến là nâng cấp giao thức mạng lưới. Lý do khác để hard fork diễn ra liên quan trực tiếp đến vấn đề an ninh mạng lưới. Bitcoin Foundation đã phát hiện một rủi ro/lỗi nghiêm trọng trên bản phần mềm cũ liên quan đến vấn đề bảo mật, an ninh. Do đó, để thêm tính năng mới vào, hoặc đảo ngược giao dịch để ngăn chặn hacker, các lập trình viên đã đề xuất thực thi hard fork.

Một vài sự kiện hard fork đình đám c ủa Bitcoin có thể nhắc đến như: Bitcoin Cash, Bitcoin SV.

https://viccrypto.com/so-sanh-cac-du-an-phan-nhanh-tu-bitcoin/

Bitcoin Lightning là gì?

Bitcoin Lightning hay còn gọi là Lightning Network là khái niệm được xây dựng bởi Thaddeus Dryja và Joseph Poon. Ý tưởng chính của dự án này là tạo ra một giải pháp ngoài chuỗi cho vấn đề tăng tốc và mở rộng mạng lưới - một trong những thách thức mà hệ thống của Bitcoin đang gặp phải.

Lightning Network xuất hiện trong khi cả Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác đang thực sự gặp phải giới hạn về số lượng giao dịch. Công nghệ blockchain của Bitcoin chỉ có thể xử lý được 2-7 giao dịch/giây (TPS). Hệ sinh thái tiền kỹ thuật số phát triển, ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường này khiến số lượng giao dịch tăng lên chóng mặt, mạng lưới tắt nghẽn, hiệu suất giao dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Lightning Network đã được phát minh. Đây cũng là một trong những bằng chứng thuyết phục cho thấy nỗ lực xóa bỏ sự cố nghẽn mạng xảy ra với công nghệ blockchain của Bitcoin.

Những thông tin trên chắc chắn sẽ vô cùng hữu ích cho những người chơi đang tập tành gia nhập thị trường Cryptocurrency. Nằm lòng những kiến thức trên trước khi lao mình vào đường đua tiền mã hóa đầy mạo hiểm để hạn chế rủi ro và mang về lợi nhuận “như mơ” nhé.

VIC.News


Disclaimer: Bài viết chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không được coi là lời khuyên đầu tư. Đầu tư Crypto là một hình thức đầu tư mạo hiểm và người tham gia phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với khoản đầu tư của mình. 

Follow us: Fanpage | Group FB | Group chat | Channel Analytics | Channel NFT Youtube 

Mục Lục Bài Viết
  1. Một giao dịch Bitcoin có những thông số gì?
  2. Mua Bitcoin ở đâu?